Nuôi con thông thái

Trẻ bị viêm họng: 8 nguyên nhân và phác đồ điều trị dứt điểm

Tác giả: Dược sĩ Thương Mến Ngày cập nhật: 03/08/22

Viêm họng là bệnh đường hô hấp trên thường gặp ở trẻ nhỏ. Hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm họng giúp trẻ khỏi bệnh nhanh, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Cha mẹ cùng trang bị kiến thức về bệnh viêm họng ở trẻ thông qua bài viết dưới đây nhé!

I. 8 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị viêm họng

Viêm họng là tình trạng niêm mạc và phần dưới niêm mạc tại cổ họng bị viêm. Đây là bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng mắc nhiều bởi hệ hô hấp non nớt và sức đề kháng kém hơn.

Bệnh viêm họng ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân. 8 nguyên nhân được kể đến đó là:

  • Do virus: Virus là tác nhân gây viêm họng phổ biến nhất. Trẻ bị viêm họng thường sẽ đau rát họng, khó nuốt, đi kèm với sốt cao. Có thể viêm mũi lẫn ho.
  • Do vi khuẩn: Liên cầu khuẩn, bạch hầu, vi khuẩn ho gà,… là một số vi khuẩn gây viêm họng, phát hiện nhờ kết quả nuôi cấy vi khuẩn. Biểu hiện nhiễm khuẩn gần giống với trường hợp nhiễm virus, trẻ cũng đau họng, sốt, nhưng tuỳ từng loại vi khuẩn mắc phải mà có triệu chứng riêng biệt.
  • Do viêm xoang, viêm mũi mãn tính: Tình trạng viêm xoang, viêm mũi khiến dịch mũi chảy từ xoang xuống họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây viêm họng. Đó là bởi niêm mạc họng lúc này bị mất lớp nhày bao phủ, không còn thực hiện được chức năng làm sạch họng nữa.
  • Do cảm cúm: Trường hợp trẻ bị sổ mũi, cảm cúm thông thường cũng có thể gây viêm họng tương tự như tình trạng viêm họng do viêm xoang, viêm mũi mãn tính. 
  • Do viêm amidan mãn tính: Những trẻ bị viêm amidan mãn tính nếu không vệ sinh mũi họng thường xuyên, sức đề kháng kém cũng dễ mắc phải đợt cấp của viêm amidan.
  • Do trào ngược dạ dày-thực quản: Dịch tiết acid ở đường tiêu hóa trong chứng trào ngược dạ dày-thực quản đi tới vùng cổ họng, tiếp xúc với dây thanh âm, niêm mạc họng gây kích ứng, rất dễ dẫn tới viêm họng, viêm amidan với biểu hiện trẻ bị đau họng, khản tiếng và ho.
  • Do chế độ sinh hoạt: Trẻ vệ sinh răng miệng kém, thường ăn uống đồ quá cay nóng hoặc quá lạnh, ngủ mở miệng,… cũng là một trong những nguyên nhân khiến vùng họng bị viêm.
  • Do môi trường sống: Khi môi trường xung quanh bị ô nhiễm, nhiều khói bụi giao thông, khói thuốc lá, hóa chất độc hại hoặc các chất kích thích trong không khí như lông chó, mèo,… làm giảm sức đề kháng, đường hô hấp nhạy cảm hơn, khiến bé dễ mắc bệnh.

Trên hết, bé bị viêm họng nên được xác định nguyên nhân để có biện pháp điều trị đúng. Bên cạnh đó, việc nhận biết được biểu hiện bệnh cũng góp phần giúp cha mẹ có cách xử trí tốt giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.

II. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng

Các triệu chứng viêm họng có thể khác nhau chút ít tuỳ từng trẻ và tuỳ loại vi khuẩn mắc phải. Nếu nhiễm liên cầu, niêm mạc họng của trẻ đỏ, viêm có thể lan tới vùng thành họng sau hoặc viêm cả amidan. Trong khi đó trẻ ho gà từng cơn rất mệt, có đờm dính, màu trắng. Viêm họng do bạch hầu xuất hiện giả mạc màu trắng tại vùng họng, amidan,…

Tuy nhiên, chung quy lại thì trẻ bị viêm họng sẽ thường có các biểu hiện sau:

  • Vùng họng đỏ, các tuyến ở cổ hoặc amidan sưng to gây đau.
  • Trẻ sốt hoặc cảm thấy gai lạnh.
  • Ho khan hoặc ho có đờm.
  • Khàn tiếng, lạc giọng.
  • Cơ thể đau nhức, mệt mỏi.
  • Buồn nôn và nôn, kém ăn.

Qua chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa, trẻ bị viêm họng sẽ được điều trị cả về nguyên nhân và triệu chứng một cách thích hợp.

III. Phác đồ điều trị dứt điểm viêm họng ở trẻ

Trẻ có triệu chứng viêm họng nên được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Điều trị viêm họng ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng bệnh và các triệu chứng xuất hiện.

Trường hợp trẻ bị viêm họng do vi khuẩn, kháng sinh sẽ được sử dụng và có thể là: Amoxicillin, Penicillin, Penicillin G,  Erythromycin, Cefaclor, Cefuroxim,… Hoặc dùng kháng sinh theo kết quả của kháng sinh đồ. Đây là các thuốc kê đơn, cha mẹ không tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ mà phải tuân thủ hoàn toàn hướng dẫn điều trị từ thầy thuốc.

Trường hợp trẻ bị viêm họng do nhiễm virus thì chủ yếu được điều trị làm giảm triệu chứng và tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ dễ chịu hơn:

  • Dùng thuốc: Paracetamol hoặc Ibuprofen giúp hạ sốt, giảm đau; Dextromethorphan giúp giảm ho, các thuốc tăng sức đề kháng như anaferon,…
  • Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ: Mẹ cho bé bú hoặc ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá, chia thành nhiều bữa để bé dễ ăn hơn. Nên bổ sung hoa quả giàu vitamin và đảm bảo bé uống đủ nước, tránh tình trạng sốt cao gây mất nước và điện giải.
  • Vệ sinh mũi họng thường xuyên: Đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng, giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn diễn biến nặng. Sử dụng nước muối biển dạng xịt hoặc nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ làm sạch dịch mũi, nhờ đó làm giảm sự khó chịu do nghẹt mũi, cảm cúm.
  • Bảo vệ cổ họng: Luôn giữ ấm cổ họng, đặc biệt trong mùa lạnh. Hạn chế việc để bé ở phòng điều hoà quá lâu với độ ẩm không khí thấp và sự di chuyển giữa các khu vực chênh lệch nhiều về nhiệt độ. Nếu bé bị dị ứng với phấn hoa, khói bụi,… cha mẹ nên loại bỏ những tác nhân gây kích thích đường hô hấp của bé.
  • Chườm ấm song song với dùng thuốc hạ sốt nếu bé sốt quá cao: Việc chườm ấm vào vùng nách, bẹn, trán giúp hạ bớt thân nhiệt, bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Tuy viêm họng không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và triệt để thì vẫn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như áp xe sau thành họng, áp xe quanh amidan. Do đó, khi thấy trẻ bắt đầu có biểu hiện viêm họng, cha mẹ nên đưa bé tới phòng khám uy tín sớm để được thăm khám và có hướng điều trị triệt để.

Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp cha mẹ nhận biết được bệnh viêm họng, nắm được cách chăm con hiệu quả để bé khỏi bệnh trong thời gian ngắn nhất.

Dược sĩ Thương Mến

Tốt nghiệp đại học Y Dược Thái Nguyên, đã có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhi Khoa
Hiện nay dược sĩ Thương Mến đang phụ trách chuyên môn và là chuyên gia tư vấn tại nhãn hàng Fitolabs Baby

Tư vấn trực tiếp từ chuyên gia

    Chỉ cần một phút chia sẻ!
    Bé khỏe mạnh, Mẹ nuôi bé nhẹ tênh

    Đăng ký nhận tư vấn
    TOP