Nuôi con thông thái
Viêm họng cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí an toàn
Viêm họng cấp ở trẻ là bệnh thường gặp, không chỉ gây sự khó chịu cho trẻ mà còn tạo ra nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Bài viết này giúp cha mẹ nắm được nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí nhằm chữa trị hiệu quả và hạn chế được nguy cơ xuất hiện biến chứng cho trẻ. Cha mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Nguyên nhân viêm họng cấp ở trẻ em
Viêm họng cấp là một trong số các bệnh đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao ở trẻ. Do trẻ nhỏ có hệ hô hấp còn non nớt nên chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể làm trẻ nhiễm bệnh. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu có thể là một trong những tác nhân sau:
- Do môi trường sống: Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, không khí bị ô nhiễm sẽ dễ mắc viêm họng cấp và các bệnh đường hô hấp khác. Ngoài ra khi thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường hoặc bé hay di chuyển giữa những nơi chênh lệch nhiệt độ lớn như phòng điều hoà và ngoài trời mùa hè cũng là điều kiện cho viêm họng cấp phát triển.
- Do virus: Phần lớn các trường hợp viêm họng cấp ở trẻ là do Rhinovirus, Coronavirus và Adenovirus. Chúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS). Epstein Barr virus ít gặp hơn nhưng biến chứng nặng có thể kể đến là ung thư vòm họng, u lympho Burkitt, u lympho Hodgkin, ung thư dạ dày…
- Do vi khuẩn: Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, bạch hầu, Streptococcus nhóm C, Chlamydia, lậu cầu, C. pneumoniae, M. pneumoniae,… là một số vi khuẩn gây viêm họng cấp. Trong đó, nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A là nguy hiểm nhất bởi có thể dẫn đến bệnh về tim mạch, viêm khớp cấp, viêm cầu thận cấp.
- Do nấm: Một số ít trẻ bị viêm họng cấp là do nấm Candida.
Mặc dù viêm họng cấp ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân nhưng bệnh có các triệu chứng điển hình giúp cha mẹ nhận biết và nhanh chóng có hướng xử trí giúp trẻ mau khỏi bệnh.
Biểu hiện bệnh viêm họng cấp ở trẻ em
Viêm họng cấp ở trẻ thường bao gồm ho, sốt, đau họng, cảm cúm, đau đầu, nhức mỏi toàn thân. Mức độ có thể là nhẹ đến nặng tuỳ tình trạng từng bé.
Biểu hiện ban đầu của viêm họng cấp ở trẻ là ho khan, tiến triển thành ho có đờm, khản tiếng và mất tiếng. Họng sưng đỏ, có thể sờ thấy hạch ở góc hàm gây đau.
Đi kèm với ho là sổ mũi, ngạt mũi. Trẻ ngạt mũi sẽ thở bằng miệng, càng dễ khiến họng bị nhiễm lạnh nếu nhiệt độ không khí thấp, tình trạng sưng đau amidan và rát họng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc đầu trẻ chỉ đau khi nuốt thức ăn, uống nước, sau đó có thể đau khi nói chuyện, thậm chí có trẻ đau lan từ họng tới phía trong tai.
Trẻ nhỏ viêm họng cấp có thể sốt cao 39-40°C dẫn đến mệt mỏi, mất nước, quấy khóc nhiều, kém ăn uống và khó ngủ. Ngoài ra, có những trẻ viêm họng cấp xuất hiện tình trạng nôn, đau vùng bụng, tiêu chảy.
Viêm họng cấp ở trẻ không phải bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được chữa trị đúng và kịp thời cũng dẫn đến một số biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm khớp, viêm cầu thận cấp,… Do đó, việc phát hiện bệnh từ sớm qua các dấu hiệu kể trên và hướng xử trí đúng của cha mẹ là đóng góp quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh cho trẻ.
Cách xử trí an toàn viêm họng cấp ở trẻ
Khi cha mẹ nhận thấy trẻ có dấu hiệu viêm họng cấp thì có thể tự theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà. Nhưng tốt nhất vẫn nên đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa uy tín để được thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh. Nếu trẻ bị viêm họng cấp, bác sĩ sẽ kê một vài loại thuốc như kháng sinh, hạ sốt, giảm ho cảm, tăng sức đề kháng cho trẻ. Khi trở về điều trị tại nhà, cha mẹ nên lưu ý:
- Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng để hạn chế tối đa mầm bệnh xung quanh trẻ. Nhiệt độ phòng nên dao động từ 25-27°C với độ ẩm vừa đủ.
- Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ. Cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn nếu sốt trên 38,5°C và thực hiện chườm ấm để hạ nhiệt. Hạn chế cho trẻ ăn uống nước lạnh, giữ ấm cho vùng cổ họng, ngực, mũi của trẻ để phòng bệnh diễn biến nặng.
- Vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên để bảo vệ cổ họng, đường hô hấp của trẻ. Việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% cũng giúp làm sạch dịch mũi, trẻ sẽ dễ thở hơn.
- Cho trẻ uống nước ấm nhằm hạn chế sự mất nước và giúp làm dịu họng.
- Nên chia nhỏ cữ bú hay bữa ăn để cung cấp đủ chất cho trẻ. Tăng cường bổ sung hoa quả, đồ ăn lành mạnh chứa nhiều vitamin, khoáng chất giúp bé có sức đề kháng và mau khỏi bệnh.
- Tạo không gian thoải mái, hạn chế để bé quấy khóc nhiều tránh cho bé mệt mỏi thêm làm bệnh lâu khỏi.
- Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của dược sĩ và không tự ý dùng các thuốc kê đơn cho trẻ khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
Viêm họng cấp ở trẻ rất dễ bị tái phát, do đó khi trẻ đã khỏi bệnh, cha mẹ nên phòng tránh cho trẻ bằng cách tạo môi trường sống lành mạnh, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để bé có hệ miễn dịch tốt giúp trẻ ít ốm vặt. Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần cũng là cách giúp cha mẹ sớm phát hiện được các vấn đề sức khỏe trẻ đang gặp phải.
Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho cha mẹ chăm trẻ viêm họng cấp dễ dàng hơn và bé con sẽ khỏi bệnh trong thời gian ngắn nhất!